TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Bàn giải pháp đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành trụ cột chính trong phát triển ngành Thủy sản thời gian tới

(Ngày đăng tin: 18/12/2020,11:32:46)



 

Sáng 18/12, tại thành phố Tuy Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Phát triển nuôi biển bền vững dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân

Hội nghị tập trung bàn những định hướng giải pháp đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành một trong những trụ cột chính trong phát triển ngành Thủy sản trong thời gian tới.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, có nhiều đảo lớn nhỏ, vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ... Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển. Đặc biệt là các vùng biển khu vực phía Tây (ít chịu gió bão), khu vực biển miền Trung có lợi thế về độ sâu, áp dụng công nghệ tiến tiến, đảm bảo phát triển nuôi các loài cá biển công nghiệp có quy mô lớn.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, phát triển nuôi biển thời gian qua đã thu được một số kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu ở các vùng nông thôn ven biển, nhiều mô hình nuôi biển đem lại hiệu quả kinh tế cao; diện tích, năng suất, sản lượng nuôi, giá trị sản xuất không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, nuôi biển hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm...

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500 nghìn ha, trong đó nuôi vùng bãi triều ven biển 153,3 nghìn ha; nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79,79 nghìn ha và nuôi vùng biển xa bờ gần 167 ha, diện tích còn lại phục vụ các hình thức nuôi khác.

Trong giai đoạn 2010-2019, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng đã không ngừng tăng. Cụ thể, tổng diện tích nuôi biển năm 2010 đạt 38,8 nghìn ha, đến năm 2019 đạt trên 256 nghìn ha với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23.3%/năm. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt  hơn 156 nghìn tấn, đến năm 2019 đạt gần 598 nghìn tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Các đối tượng chính được người dân và doanh nghiệp áp dụng hình thức nuôi biển gồm: nhuyễn thể (Ngao/nghêu, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương,..); nhóm cá biển (cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá sủ đất, cá măng biển..); nhóm giáp xác (tôm hùm, cua, ghẹ...); rong tảo biển (rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển…), hải sâm, sinh vật cảnh.

Trên cả nước hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản xuất được 509 triệu con. Đối với tôm hùm hiện nay chưa chủ động công nghệ sản xuất giống thương phẩm, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm giống khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Tôm hùm giống phục vụ nuôi thương phẩm ở Việt Nam không ổn định về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng đem đến rủi ro lớn cho người nuôi. Đối với các đối tượng cua, ghẹ, hiện nay công nghệ sinh sản nhân tạo đã được hoàn thiện và đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho nhiều địa phương đã góp phần vào việc phát triển nuôi cua, ghẹ thương phẩm.

Hiện nay, cả nước có 764 cơ sở chế biến các sản phẩm nuôi biển quy mô công nghiệp, trong đó có 644 cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh, 18 cơ sở chế biến đồ hộp, 84 cơ sở chế biến hàng khô, 35 cơ sở chế biến nước mắm và mắm các loại, 3 cơ sở làm dịch vụ kho lạnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm qua chế biến chủ yếu tại các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản, Nga và một số thị trường Trung Đông…

Mặc dù lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nghề nuôi biển tại Việt Nam hiện vẫn còn manh mún, phát triển nhỏ lẻ nên chưa tận dụng, khai thác hết tiềm năng và lợi thế vốn có của Việt Nam. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn nhiều hạn chế, chậm, dàn trải, thiếu đồng bộ. Việc quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng đưa vào hoạt động chưa đạt được theo công suất thiết kế.

Công nghệ sản xuất giống của nhiều loài cá biển đã được làm chủ nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất giống nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thực sự cao. Do công nghệ phức tạp, đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro lớn nên sản xuất giống cá biển chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp hay ngư dân. Trừ đối tượng cá vược, cá chim vây vàng, cá giò đã được một số cơ sở sản xuất, các loài còn lại mới được sản xuất trong cơ sở của các viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm giống và một số ít doanh nghiệp.

          Nhà nước tuy đã có những chủ trương chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển nhưng chưa đầu tư cho nhiều đề tài nghiên cứu để giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loài có giá trị kinh tế cao.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, nhiều năm qua, ngành thủy sản Phú Yên đã không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 50% về giá trị sản xuất. Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai bão lụt nhưng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với năm 2019.

Tuy nhiên, ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản các vùng đầm vịnh, cửa sông, Phú Yên vẫn chưa khai thác được lợi thế nuôi biển công nghiệp nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển hàng ngàn ha này.

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho rằng, để đẩy mạnh ngành Thủy sản phát triển, cần có có sự đột phá, trong đó, cần hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến nuôi biển, sớm phê duyệt Đề án Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trọng tâm đột phá phát triển thủy sản trong 10 năm tới phải là nuôi biển. “Đây chính là dư địa lớn nhất còn lại của thủy sản trong thời gian tới, nếu không phát triển lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong thủy sản”. “Trong phát triển nuôi biển, cần áp dụng tối đa khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới”.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương ven biển đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình nuôi biển hiệu quả, thị trường tiêu thụ và triển vọng xuất khẩu sản phẩm nuôi biển cũng như giải pháp giảm thiểu áp lực môi trường vùng đầm, vịnh; đồng thời kiến nghị các chính sách, thể chế để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mới, góp phần phát triển kinh tế biển trong thời gian tới.

Hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản đang rà soát, hoàn thiện “Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045” về: quy hoạch lại cơ sở sản xuất giống, quy trình nuôi, vùng nuôi và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm...là cơ sở hoạch định chiến lược phát triển nuôi biển trong thời gian tới.

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha và thể tích lồng nuôi 10,5 triệu m3, trong đó:  Nuôi biển ven bờ, đảo gần bờ 270 nghìn ha, thể tích lồng nuôi đạt 8,5 triệu m3 (nuôi ven bờ, ven đảo 20 nghìn ha; nuôi bãi triều và trong đất liền 250 nghìn ha); Diện tích nuôi biển xa bờ 10 nghìn ha, thể tích lồng nuôi đạt 2 triệu m3. Đến năm 2025, mục tiêu đưa sản lượng nuôi biển của cả nước đạt 850 nghìn tấn, trong đó: nuôi biển ven bờ, đảo gần bờ đạt 750 nghìn tấn; nuôi biển xa bờ đạt 100 nghìn tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,800 – 1tỷ USD.

Và mục tiêu đến năm 2030, đưa diện tích nuôi biển đạt 290 nghìn ha và thể tích lồng nuôi 12 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi biển đạt 3-4 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, nuôi biển cần kết hợp với các ngành kinh tế biển khác như: ngành dầu khí, du lịch, điện gió, đóng tàu …  tận dụng được năng lực, kỹ thuật, công nghệ của các ngành này khi đó nuôi biển có rất nhiều ưu thế và sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, với chiều dài bờ biển trên 3.260 km, rộng 1 triệu km2, trong đó khảo sát sơ bộ có khoảng 500 nghìn km2 nuôi biển được.

Nuôi biển ở Việt Nam phần lớn đang ở mức thủ công, chỉ có một số doanh nghiệp bước đầu đã đầu tư công nghệ trong nuôi biển. Để nuôi biển phát triển nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025 cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn lọc giống, đầu tư công nghiệp hỗ trợ, nuôi biển theo quy trình khép kín từ đầu vào đến xuất khẩu, không gây ô nhiễm môi trường.

Trước mắt là giải quyết vướng mắc về bàn giao mặt nước, bảo đảm mặt nước ổn định lâu dài cho doanh nghiệp; việc gắn cơ chế chính sách, nguồn lực với tổ chức thực hiện, bảo tồn, giảm khai thác, tăng cường nuôi biển - là giải pháp phát triển thủy sản bền vững, có sức cạnh tranh của ngành ở giai đoạn mới, bảo đảm đủ điều kiện cho hội nhập, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho rằng thay vì chỉ tập trung vào khai thác chúng ta phải tính đến phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, điều này đánh mất lợi thế vốn có của nước ta.