TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

(Ngày đăng tin: 05/10/2020,09:42:12)



Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ bên phải) dự và chủ trì Hội nghị, ngày 30/9/2020, tại Tp Sơn La.

 

Bộ Nông nghiệp &PTNT phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TD&MNBB) giai đoạn 2021-2025”.

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gần 4 năm Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, cơ cấu ngành nông nghiệp vùng TD&MNBB đã có chuyển biến tích cực và đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp các tỉnh vùng TD&MNBB còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu lại ngành và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chưa trở thành phổ biến. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, vùng TD&MNBB là khu vực có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng, năng lượng, an ninh nguồn nước và môi trường của đất nước. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, các tỉnh vùng TD&MNBB tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng với phát triển trồng trọt, các tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các vùng nước ven sông.

Theo Bộ trưởng, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vùng cần xác định rõ 4 định hướng quan trọng là kinh tế đồi gò, phát triển sản phẩm OCOP, gắn nông nghiệp với du lịch và bản sắc dân tộc.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu nhận định, việc đổi mới tư duy chiến lược, chuyển dần sản xuất theo tín hiệu thị trường, khai thác, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong dân… là những yếu tố quan trọng giúp tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trung bình của vùng TD&MNBB trong giai đoạn 2013-2020 đạt bình quân 3,68%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, để duy trì đà phát triển, ngành nông nghiệp TD&MNBB cần triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản; tập trung sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực.

 

Mục tiêu phát triển tái cơ cấu nông nghiệp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 – 2025:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng đạt trung bình khoảng 3,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025;

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%;

- Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%;

- Có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.