TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam - Pháp ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

(Ngày đăng tin: 20/12/2023,12:16:37)



Ngày 20/12/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet và ký kết Thảo thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam – Pháp.

 

Trong những năm qua mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp phát triển mạnh mẽ, hàng hóa nông sản Việt Nam sang Pháp khá phong phú đa dạng, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm như: Thủy sản, rau quả, điều, cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ... Ở chiều ngược lại, sản phẩm từ Pháp sang Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao như sữa, các sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu và nguyên liệu... Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 619 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021.

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Pháp. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược. Trong 50 năm qua, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

 

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Pháp

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn Pháp xem xét hỗ trợ phục hồi các công trình xây dựng trước đây của Pháp tại Việt Nam (như đập Đông Cam Phú Yên, Vườn Quốc gia Ba Vì...); trao đổi thông tin và hợp tác khoa học kỹ thuật về an toàn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Pháp hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác tài chính giúp Việt Nam tăng cường năng lực nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EU trong việc tháo gỡ thẻ vàng (IUU) cho Việt Nam.

 

Về phía Pháp, Ông Olivier Brochet cho biết: Lãnh đạo hai chính phủ Việt Nam và Pháp đã đạt được sự đồng thuận về định hướng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có hướng đi quan trọng là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Với định hướng này, ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Với một nền nông nghiệp rất phát triển, Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp với Việt Nam.

 

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Olivier Brochet cũng đề nghị phía Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hồ sơ về sản phẩm mận để sản phẩm này được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Với sản phẩm protein nguồn gốc từ động vật làm thức ăn chăn nuôi đã xuất khẩu vào Việt Nam xong tới đây, phía Pháp mong muốn hai bên có những khuôn khổ quy tắc rõ ràng hơn để thúc đẩy trao đổi…

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhất trí thành lập các tổ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Đại sứ quán Pháp cũng như giữa phía các cục, vụ thuộc Bộ và các tổ chức của Pháp đang hoạt động tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề nêu trên.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề xuất Pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất nông sản, đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật; đổi mới sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.

 

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet thay mặt hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Pháp. Nội dung chính của thỏa thuận gồm: Giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, đặc biệt chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen, độ che phủ rừng, sức khỏe của đất; tổ chức và quản lý chất lượng sản xuất lương thực, thực phẩm và chuỗi giá trị, cải thiện an toàn thực phẩm; các vấn đề an toàn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật cũng như việc tiếp cận thị trường liên quan đến thương mại sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.