TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Tăng cường hợp tác về thương mại nông, lâm thủy sản và an ninh lương thực với EU

(Ngày đăng tin: 21/09/2023,04:53:49)



Nhằm tăng cường hợp tác về thương mại nông lâm thủy sản và an ninh lương thực (ANLT) với EU, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu thăm và làm việc với Cao ủy nông nghiệp EU, ông Janusz Wojciechowski và Tổng vụ Nông nghiệp EU ngày 20/9/2023.

 

Trong phiên làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm của Chính phủ Việt Nam về việc  sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất ANLT do tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và xung đột giữa các nước. Trong năm 2023, mặc dù biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan ở nhiều nước sản xuất lương thực, một số nước hạn chế xuất khẩu gạo dẫn đến giá gạo tăng lên mức kỷ lục, gây ra nguy cơ mất ANLT toàn cầu, ảnh hưởng tới người nghèo tại các nước đang phát triển, Việt Nam dự kiến vẫn có thể đảm bảo xuất khẩu ở mức tương đương hay cao hơn năm 2022. Qua đó, thể hiện năng lực cung ứng của ngành nông nghiệp cũng như thể hiện rõ thể Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm ANLT và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi.

 

Để đảm bảo ANLT, Việt Nam chủ trương giữ ổn định 3,5 triệu hecta đất lúa đến năm 2030, hàng năm đảm bảo sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa. Với diện tích đất lúa này, Việt Nam không chỉ đảm bảo ANLT cho 100 triệu dân mà còn đảm bảo gạo cho xuất khẩu.

 

 Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Cao ủy nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski

 

Việc giữ đất lúa là cần thiết trong đảm bảo ANLT quốc gia, tuy nhiên, cần phải đảm bảo sinh kế, thu nhập cho người nông dân trồng lúa, vốn có thu nhập thấp hơn so với các cây trồng khác. Việt Nam cũng gắn ANLT với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam đi tiên phong trong hệ thống lương thực thực phẩm thực phẩm theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu/phục hồi để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học…Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 từ tháng 3/2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với Ban Thư ký Chương trình Lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) của Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – Mạng lưới một hành tinh tại Hà Nội từ ngày 24-27/4/2023 với sự tham dự trực tiếp trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ 60 quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế.

 

Việt Nam cũng dự kiến tổ chức Festival lúa gạo quốc tế vào tháng 12 năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang với chủ đề gắn sản xuất lúa gạo Việt Nam với tăng trưởng xanh, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.. Festival lúa gạo dự kiến có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Lãnh đạo một số quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn. Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời mời Cao ủy Nông nghiệp EU ông Janusz Wojciechowski tham dự Festival.

 

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam định hướng phát triển một  nền nông nghiệp trách nhiệm, minh bạch, bền vững, tăng trưởng xanh và là một thành viên có trách  nhiệm đối với ANLT toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất tăng cường hợp tác với EU:

- Hỗ trợ người nông dân quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu/phục hồi để giải quyết vấn đề ANLT, đảm bảo sinh kế; 

- Thúc đẩy hợp tác Nam – Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, bao trùm và chống chịu tại các quốc gia đang phát triển; 

- Thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Lương thực thực phẩm cho khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo thực phẩm Gembloux, Vương quốc Bỉ

 

Trao đổi tại phiên làm việc, Cao ủy Janusz Wojciechowski chúc mừng Việt Nam không chỉ đảm bảo ANLT cho 100 triệu dân mà còn là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thời tiết cực đoan. Cao ủy Janusz Wojciechowski khẳng định quan hệ hợp tác song phương trong nông nghiệp Việt Nam - EU rất tốt đẹp và mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.  Cao ủy cũng rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về vai trò của nông dân quy mô nhỏ trong đảm bảo ANLT không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Cao ủy bày tỏ sự lo ngại về hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra ở một số nước sản xuất lương thực chính ở châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp, xung đột giữa các nước gây nguy cơ mất ANLT và khẳng định vai trò của hợp tác trong đảm bảo ANLT toàn cầu. Đồng thời, Cao ủy Janusz Wojciechowski nhấn mạnh vai trò của thương mại mở đối với ANLT toàn cầu. Cao ủy ủng hội đề xuất của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về hợp tác Nam – Nam và sẽ có tiếng nói với với các cơ quan liên quan của EU để xem xét và thúc đẩy đề xuất này. Cao ủy cảm ơn lời mời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cho biết rất quan tâm tới Festival lúa gạo do Việt Nam tổ chức và sẽ tham dự nếu điều kiện cho phép.

 

Về thương mại song phương, Cao ủy cho rằng quan hệ thương mại nông sản Việt Nam – EU đang tiến triển tốt đẹp, hai Bên còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy thương mại song phương. Đề nghị Việt Nam đẩy nhanh các thủ tục mở cửa thị trường cho nông sản của EU vào thị trường Việt Nam, công nhận các chỉ dẫn địa lý theo danh sách mà EU đã gửi.

 

Phúc đáp đề nghị mở cửa thị trường của Cao ủy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan chuyên môn của hai Bên tích cực làm việc để thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản song phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị EU tăng hạn ngạch nhập khẩu và bổ sung danh mục gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU.