TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Lào

(Ngày đăng tin: 27/02/2023,10:42:24)



        Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào được duy trì tốt nhiều năm nay. Đến tháng 10/2022, Việt Nam đang có 219 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 4,7 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Thái Lan. Sau tháng 10/2022, đầu tư Việt Nam tại Lào tăng thêm 04 dự án mới và 03 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 66,42 triệu USD, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 1,22 tỉ USD. Riêng nông nghiệp hiện nay có 49 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp nông nghiệp đang đầu tư chính tại Lào là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần sữa Vinamilk…

 

       Trong chuyến công tác làm việc chính thức tại Lào từ 27-28/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp hai nước đã đồng chủ trì phiên họp thường niên tại Viêng Chăn, Lào. Hai bên thống nhất phối hợp chặt chẽ và toàn diện nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Lào, đặc biệt, hai Bộ trưởng đã nhất trí và đưa vào Biên bản cuộc họp nội dung “Hai bên sẽ báo cáo các cơ quan liên quan của mỗi nước nhằm tiến tới thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam-Lào và Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Lào-Việt Nam”.

 

Hội thảo thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Lào ngày 27/02/2023 

(Ảnh: Đàm Thị Nhung)

 

        Ngày 27/02/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì tổ chức Hội thảo thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước Việt - Lào. Mục tiêu của hội thảo là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam – Lào và tiến tới thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Lào.

 

        Tại hội thảo, Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư đánh giá hiện có nhiều lợi thế để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Lào. Đất đai rộng lớn, nền nông nghiệp còn chủ yếu canh tác theo lối thủ công truyền thống chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư phát triển sản xuất. Ông cũng lưu ý về các khó khăn khi đầu tư tại Lào cho các doanh nghiệp đó là hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư… Lào cũng chưa có quy hoạch sử dụng đất và chính sách ưu đãi, chiến lược phát triển nông nghiệp dài hạn. Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ tiếp tục làm việc với nước bạn về những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào.

 

        Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nhận định nếu giao thương Việt Nam - Lào càng mạnh, càng gắn bó thì chúng ta được bảo vệ càng vững chắc. Tân cảng Sài Gòn đang chiếm 55% thị phần xuất nhập khẩu của cả nước trong chuỗi cung ứng. Tân Cảng cam kết sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp về logistics để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào phát triển đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

        Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ doanh nghiệp đang không có đủ nguồn hàng để xuất khẩu trong khi nhu cầu thị trường Trung Quốc rất lớn. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng đầu tư trồng dứa, trồng ngô tại tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của Lào vì quỹ đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đã hết. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy điều kiện khí hậu, đất đai hoàn toàn phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp. 

 

        Với vị trí địa lý giáp với nước ta, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc đã đi vào hoạt động, Lào sẽ là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc và các nước ASEAN rất thuận lợi. Hơn nữa, Lào đang ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng xuất khẩu để tăng nguồn thu cho nền kinh tế, vì vậy việc hợp tác phát triển nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Lào còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

 

        Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam - Lào phải bắt đầu từ tư duy “thị trường xa là chúng ta đi bán, thị trường gần là tạo ra vùng nguyên liệu, nguồn hàng để cùng nhau đi bán”. Mở rộng không gian kinh tế với tư duy hợp tác hai bên cùng có lợi sẽ khó khăn nhưng sẽ bền vững hơn.

 

        Sắp tới sẽ Bộ Nông nghiệp sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và phía Lào cũng sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Lào hợp tác với Việt Nam để cùng nhau  phát triển. Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ thực hiện thủ tục và trình các cơ quan có thẩm quyền để thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Lào. Đây sẽ là kênh làm việc chính thức để kết nối các doanh nghiệp hai nước cùng trao đổi, giao lưu, hợp tác và giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của cả hai nước Việt Nam và Lào.