TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19

(Ngày đăng tin: 20/11/2020,10:45:14)



Ảnh Hội nghị 

 

Viện Nghiên cứu chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2020” với chủ đề “Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19” để thảo luận về các vấn đề chính sách quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh COVID-19, khu vực kinh tế nông nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực như giảm sản lượng tiêu thụ, làm tăng chi phí sản xuất vận chuyển, ảnh hưởng các chuỗi giá trị nông nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng chưa kể dịch bệnh, thiên tai bão lũ cũng tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là sản phẩm tươi trái cây, rau củ quả, tiếp đó là sản phẩm thủy sản. Theo ước tính của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến ngày 15/11/2020, thiệt hại về kinh tế do các loại hình thiên tai là hơn 35.181 tỷ đồng.

Trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, Tổ chức Oxfam cho rằng cần có những chính sách, giải pháp đồng bộ để giải quyết những thách thức đối với khu vực nông thôn. Cụ thể như: các chính sách khuyến khích nông hộ tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để hình thành các nông hộ lớn, chuyên nghiệp, có trình độ canh tác và quản lý tốt, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và hiệu quả thị trường đất nông nghiệp cũng như kết nối cung – cầu thiết thực bền vững.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá năm 2020 vẫn là một năm khá thành công đối với ngành nông nghiệp khi vừa đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, vừa gia tăng xuất khẩu. Trong “nguy có cơ”, có nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2020. Một số sản phẩm có chế biến, bảo quản tốt có lợi thế. Các chuỗi giá trị ngắn cung ứng cho đô thị, có hợp đồng thì hoạt động ổn định hơn. Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng tạo nhu cầu nông sản thế giới tăng lên, nhiều nước không đảm bảo đáp ứng nhu cầu nông sản, cùng với đó, các Hiệp định thương mại đặc biệt Hiệp định thương mại với Châu Âu, đem tới cơ hội, rộng cửa cho nông sản Việt Nam vào các thị trường quan trọng. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội COVID-19 để xuất khẩu trực tiếp, đa dạng thị trường. Nhưng theo đó là yêu cầu về gia tăng giá trị, tiêu chuẩn đa dạng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm yêu cầu cao, khả năng cung ứng khối lượng lớn với chất lượng ổn định.

Ông Đào Thế Anh cho rằng, cần rà soát và định hướng chính sách cho nông nghiệp trong thời gian tới, tiếp cận theo hướng đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững. Hộ nông dân cần được chuyên nghiệp hoá; Liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị; Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho khoa khọc công nghệ để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ hộ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu với rủi ro. Vai trò của hợp tác xã và hộ nông dân rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp, chuỗi thực phẩm. Vì vậy, cần có chính sách tăng cường năng lực cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Các chính sách đã có về liên kết doanh nghiệp – hợp tác xã cần được hướng dẫn cụ thể hơn, các mô hình, điển hình thành công cần được chia sẻ, học tập, nhân rộng. Nông dân chuyên nghiệp hoá để tạo quy mô sản xuất, có sự liên kết với hợp tác xã. Hợp tác xã có thể tham gia vào toàn bộ, hay một phần của chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản.