TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

AMAF 42 thông qua Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN giai đoạn 2021-2025

(Ngày đăng tin: 23/10/2020,02:00:36)



Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tham dự AMAF 42 từ đầu cầu Hà Nội. 

 

Ngày 21/10/2020, Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN – AMAF 42 diễn ra trực tuyến, bàn về mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp bền vững trong bối cảnh Covid-19. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đại diện Bộ Nông nghiệp &PTNT Việt Nam tham dự AMAF 42 từ đầu cầu Hà Nội. Cùng ngày 21/10, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng tham gia Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (AMAF+3) và Ấn Độ (AIMMAF).

Tại AMAF 42, đại diện các nước ASEAN đã thảo luận về cách ứng phó đối với sự bùng phát của Covid-19 để đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng. Thông qua Khung an ninh lương thực chung của ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) giai đoạn 2021-2025 nhằm đảm bảo hơn nữa an ninh lương thực và dinh dưỡng lâu dài, cải thiện sinh kế của người nông dân trong khu vực ASEAN.

Tại hội nghị Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu: ngay khi xuất hiện Covid-19, Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục; được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Trong đó, tăng cường phát triển nông, lâm, ngư nghiệp bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đặt ra các ưu tiên phát triển bền vững theo ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể: (i) Xây dựng nền nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao và hiệu quả. (ii) Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và điều kiện sống của dân cư nông thôn. (iii) Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, ASEAN cần có các giải pháp đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, công nghệ và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đảm bảo các hoạt động logistics, liên kết liên khu vực và quốc tế, vận chuyển lương thực, nông lâm sản được diễn ra liên tục và thông suốt.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đưa ra đề xuất một số hành động cụ thể. Thứ nhất, thắt chặt hơn nữa hợp tác trong ASEAN nhằm tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ nông hộ nhỏ, doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vượt qua các tác động tiêu cực của Covid-19. Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thương mại; giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đánh giá rủi ro để mở cửa thị trường; tăng cường hợp tác trong công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm để thúc đẩy trao đổi thương mại hàng nông, lâm, thủy sản trong nội khối. Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng nông lâm, thủy sản nhằm tránh gián đoạn thương mại, thiếu minh bạch và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm. Thứ tư là đề xuất giới thiệu các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng khu vực và quốc tế, các quỹ tiền tệ dành cho hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tại Hội nghị AMAF+3, các đại diện Nông, lâm nghiệp ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về những tác động chưa từng có của nó đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế, bao gồm cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm trong khu vực.

Tuy nhiên, các đại biểu vẫn cam kết đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm bền vững và dòng lương thực thực phẩm không bị cản trở trong khu vực. Ở Hội nghị AIMMAF giữa Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN và Ấn Độ, những vấn đề trên cũng được nêu ra và đạt sự đồng thuận từ các đại biểu.