TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Hội thảo Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực

(Ngày đăng tin: 13/12/2023,11:19:14)



Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11-15 tháng 12 năm 2023 tại tỉnh Hậu Giang. Chiều 12-12, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ NN-PTNT), FAO và IRRI đồng tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: "Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực".  Mục tiêu của Hội thảo nhằm thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia Châu Phi thông qua chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác Nam - Nam trong phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

 

Tham dự Hội thảo Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Phó Giám đốc GIZ Việt Nam Oemar Idoe cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện cơ quan nông nghiệp của một số quốc gia Châu Phi. Hội thảo là cơ hội để các bên trao đổi thực tiễn hợp tác, xác định các phương thức hữu hiệu về trao đổi kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm phát triển hệ thống thực phẩm và chuyển đổi nông nghiệp giữa Việt Nam và một số nước Châu Phi.

 

Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi, Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực

 

Tại hội thảo các diễn giả và đại biểu đã thảo luận về cơ chế thúc đẩy sự hợp tác về khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của Châu Phi; Tăng cường kết nối chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Nam - Nam; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam cho thương mại lúa gạo và an ninh lương thực toàn cầu; Hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước Châu Phi trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững trong Hợp tác Nam - Nam từ Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh - GIC”.

 

Các đại biểu dự cuộc Tọa đàm về hợp tác Việt Nam - châu Phi hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực

 

Phiên đối thoại theo chuyên đề và thảo luận sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, bao gồm thách thức, cơ hội cũng như vai trò của Hợp tác Nam - Nam trong việc thu hẹp các khoảng trống kiến thức kỹ thuật.

 

Ông Mandla Nkomo, Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc của CGIAR (Liên minh tư vấn nông nghiệp quốc tế)

 

Theo ông Mandla Nkomo, Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc của CGIAR (Liên minh tư vấn nông nghiệp quốc tế), đứng trước những thách thức chồng chéo tại Châu Phi, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ nhận thấy cơ hội chuyển đổi hệ thống. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, các đại biểu CGIAR học hỏi cách chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả. “Được biết, Việt Nam khi mới phát triển lúa gạo đã dựa nhiều vào các giống lúa từ IRRI, cũng như trao đổi công nghệ với các quốc gia khác. Sự chia sẻ của Việt Nam phần nào đã giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi lớn”.

 

Ông Aziz Arya, Chuyên viên phụ trách hợp tác Nam – Nam và hợp tác tam giác, Văn phòng FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương

 

Tại diễn đàn Ông Aziz Arya, Chuyên viên phụ trách hợp tác Nam - Nam và hợp tác tam giác, Văn phòng FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương đề xuất được hợp tác với các quốc gia, gần như ở nước nào FAO cũng có văn phòng nên rất dễ triển khai các nội hợp tác. Trong quá trình hợp tác, FAO thường quan tâm đến sinh kế của người dân, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Hợp tác Nam - Nam là chia sẻ giữa các đối tác về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật. Hợp tác giữa các bên liên quan để bảo bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới. FAO sẽ chia sẻ thể chế chuyên môn giữa các quốc gia với nhau, những điều mà quốc gia học tập thấy ở quốc gia chia sẻ về những cách làm hay và có thể học tập, chẳng hạn như về chính sách, phá, luật, khoa học, kỹ thuật…

 

Trong hợp tác Nam - Nam chúng ta cần phải lưu ý xác định được nhu cầu của nước tham gia, sau đó mới xác định kỹ thuật, chuyên môn nào là tối ưu khi thực hiện. Hợp tác về chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo giữa Việt Nam với một số quốc gia Châu Phi đã được FAO kết nối thực hiện khá thành công. Hợp tác có khá nhiều lĩnh vực, không chỉ có lúa gạo, mà còn có các cây trồng khác về lương thực.

 

Ông Oemar Idoe – Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Oemar Idoe – Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam - chia sẻ: “Tôi vô cùng vinh dự được tham dự Hội nghị và Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về sản xuất lúa gạo, có những những kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam - Nam. Đây là sự cần thiết cần bởi vai trò của Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về sản xuất lúa gạo; các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác về phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực".

 

Cũng theo ông Oemar Idoe, nước Đức có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, giáo dục, dạy nghề, nông nghiệp…, trong đó thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu luôn là ưu tiên hàng đầu. "Tôi xin nhấn mạnh một trong những hợp tác quan trọng đang diễn ra đó là sự hỗ trợ, chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp xanh, phát thải thấp", Phó Giám đốc GIZ tại Việt Nam khẳng định.

 

Trong hợp tác Nam – Nam, có hơn 30 quốc gia đến chia sẻ những bài học kinh nghiệm với GIZ, đó là những chia sẻ để hướng tới phát triển bền vững. Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đóng góp cho vấn đề an ninh lương thực thế giới, Việt Nam còn nhiều chia sẻ với các quốc gia Châu Phi. Ông Oemar Idoe tin tưởng vào Việt Nam, đặc biệt là sự kiện Đề án 1 triệu ha lúa phát triển bền vững đã được phát động triển khai thực hiện ngay trong sáng 12/12.

 

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định sự liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và xung đột. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết mở rộng hợp tác Nam – Nam ngành nông nghiệp để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng

 

Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng.

 

Kết thúc Hội thảo là lễ ký kết giữa Bộ NN-PTNT và đại diện FAO tại Sierra Leone về Hợp tác Dự án Nam - Nam; Lễ ký kết Ý định thư giữa Bộ NN-PTNT và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm Hỗ trợ Chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm.