TRANG CHỦ > NÔNG THÔN MỚI

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn phát triển Làng nghề

(Ngày đăng tin: 10/11/2023,10:27:06)



Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, sáng 10-11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay trong bảo tồn và phát triển làng nghề trên thế giới. Các đại biểu đến từ các làng nghề cũng đã tham gia thảo luận trong hội thảo. Một số ý kiến cho rằng các làng nghề ở Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn như: chưa áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiếu lao động trẻ có trình độ, một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ bị mai một và thất truyền, không có sự liên kết giữa các làng nghề, thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ...

 

Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”

 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam, cho rằng các làng nghề cần phát triển kỹ năng số, đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cũng như triển khai công tác xúc tiến thương mại từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Ông nhấn mạnh rằng: “Nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm cạnh tranh được bằng chất lượng sản phẩm, bằng câu chuyện sản phẩm. Các câu chuyện kể về nguồn gốc xuất xứ, về quá trình sản xuất sản phẩm tạo ra được niềm tin và cảm xúc với người tiêu dùng, qua đó có thể xúc tiến quảng bá, giới thiệu về truyền thống và nét văn hóa của sản phẩm”.

 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh - Làng mây tre đan Phú Vinh, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Nhiều nghề thủ công đang cần được khôi phục và phát triển. Tôi đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân thợ giỏi vì họ là những người đang âm thầm giữ nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn”.

 

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng nghề truyền thống của cả nước. Sự phát triển làng nghề sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho Thủ đô. Hà Nội cũng mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong tư vấn về bảo tồn và phát triển nghề thủ công, hoạt động liên quan đến các làng nghề.

 

Tham gia hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã chứng kiến Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội với 02 đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực hội chợ, nền tảng số và ngân hàng để xúc tiến thương mại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm độc đáo của địa phương (OCOP) ra thị trường quốc tế.

 

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội và Trường Đại học LUND, Thụy Điển ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

 

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mục đích của việc ký kết các biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Lund và Hội đồng Thủ công Thế giới nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác giữa thành phố với các đối tác nước ngoài, hướng đến phát triển ngành nghề thủ công trên địa bàn Thủ đô, bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của làng nghề.

 

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội và Hội đồng Thủ công Thế giới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

 

TS Kevin Murray - Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới đánh giá cao sự phát triển của làng nghề Hà Nội. Trực tiếp tham gia ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố, TS Kevin mong muốn đôi bên sớm cụ thể hoá các nội dung để bảo tồn và phát triển các làng nghề Hà Nội.

 

Việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn phát triển nghề thủ công và phát triển mô hình làng nghề sáng tạo phù hợp với chủ trương của Hà Nội về phát triển làng nghề, đẩy mạnh thiết kế sáng tạo theo các mục tiêu của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO mà Hà Nội là thành viên.