TRANG CHỦ > NÔNG THÔN MỚI

Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

(Ngày đăng tin: 15/10/2019,02:11:21)



 

Chiều 14/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.

Số liệu thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, số HTX thành lập mới đạt 1.598 HTX, giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 02 LHHTX. Lũy kế đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX đã được thành lập, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó có 22.649 HTX đang hoạt động (gồm 14.379 HTX nông- lâm- ngư- diêm nghiệp- thủy sản; 1.923 HTX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; 1.944 HTX thương mại; 1.375 HTX vận tải và dịch vụ vận tải; 852 HTX xây dựng- sản xuất vật liệu xây dựng; 483 HTX môi trường). Cùng với đó, trên cả nước có 1.180 Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ dịch vụ; 76 Liên hiệp HTX và trên 100 nghìn Tổ hợp tác.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/HTX. Tổng tài sản của các HTX là 171 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 7,7 tỷ đồng/HTX. Trong đó, Quỹ dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/Quỹ. Các HTX có doanh thu bình quân đạt 4,2 tỷ đồng, lãi bình quân 305 triệu đồng. Tổng số lao động thường xuyên của các HTX khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân 45 triệu đồng/năm/ người.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vai trò của các HTX là đóng góp vào việc xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vì lợi ích thiết thực của mỗi thành viên trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế hợp tác phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”, đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác; rà lại các chính sách để sửa đổi, tạo thuận lợi hơn cho kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác phát triển.