TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Đề xuất chuyển giao đội tàu cá của Nhật bản cho Việt Nam

(Ngày đăng tin: 13/11/2018,09:27:10)



Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp đoàn công tác SVRP Nhật Bản

 

Chiều 06/11/2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có buổi tiếp đoàn công tác của Tổ chức Phi lợi nhuận International Small Vessel Recycle Project Nhật Bản (SVRP) do ông Chikư, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam. Tham gia Đoàn công tác có ông Azuma, cố vấn Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và cố vấn Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, ông Chikư đặt vấn đề: Ở Nhật Bản hiện nay có hàng chục ngàn tàu cá, đủ các phân khúc, từ tàu đánh bắt gần bờ đến tàu khai thác xa bờ, hiện trạng đang được sử dụng rất tốt. Tuy nhiên, do tình trạng già hóa dân số, nhiều Nghiệp đoàn Ngư nghiệp Nhật Bản hiện nay không còn nhu cầu sử dụng các tàu này và phía Nhật Bản mong muốn chuyển giao số tàu này cho Việt Nam với giá hỗ trợ và ưu đãi. Đồng thời, Nhật bản sẽ nghiên cứu và khảo sát để xây dựng nhà máy sửa chữa, phục hồi và bảo dưỡng tàu cá tại Việt Nam. Đoàn công tác cho biết: SVRP sẽ đảm nhiệm vấn đề này và sẽ đề xuất với Chính phủ Nhật Bản có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với việc chuyển giao đội tàu nêu trên để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đáp lại đề xuất của Đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt đẹp, phát triển chiều sâu mọi mặt, trong đó có nhiều hợp tác thiết thực và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển quan hệ giữa hai nước. Đánh giá cao sáng kiến của SVRP về chuyển giao đội tàu cá của Nhật Bản cho Việt Nam và cho rằng ý tưởng nêu trên phù hợp với nhu cầu tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng mong muốn sớm hiện thực hóa sáng kiến này để hai bên có thể chia sẻ thành quả hợp tác, đặc biệt là kết quả thương mại thủy hải sản giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua phương tiện và công nghệ của Nhật Bản.

Bộ trưởng thông tin thêm Việt Nam hiện có số lượng gần 110 ngàn tàu cá ở cả ba (03) phân khúc: đới bờ, đới lộng và đới xa. Theo Luật Thủy sản sửa mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 01/1/2019, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu lại ngành thủy sản, trong đó có việc cơ cấu lại đội tàu khai thác và quy trình đánh bắt hải sản theo hướng giảm số lượng tàu khai thác, điều chỉnh sản lượng đánh bắt phù hợp với trữ lượng và nguồn lợi thủy hải sản, tăng chất lượng thông qua công nghệ bảo quản và chế biến sâu để xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao, cải thiện đời sống của người dân.

Để tạo điều kiện cho Đoàn công tác khảo sát thực tế tại địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ - Tổng Cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ, cử cán bộ hướng dẫn, trao đổi thông tin và thảo luận chi tiết với Đoàn nhằm cụ thể hóa nội dung để trình Chính phủ hai nước về chủ trương nêu trên.

Đây là cơ hội mới cho người dân Việt Nam trong nỗ lực tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó có chuyển từ nghề khai thác hải sản truyền thống sang khai thác hiện đại, bền vững và có trách nhiệm. Hi vọng rằng: Chính phủ hai nước sẽ sớm có chủ trương và có bước đi càng sớm càng tốt, đáp ứng với đề nghị của SVRP cũng như mong mỏi của ngư dân Việt Nam, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bám Ngư trường và bám Biển-Đảo./.