TRANG CHỦ > HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM

Tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN về “Phát triển chuỗi giá trị thực phẩm an toàn”

(Ngày đăng tin: 13/06/2016,10:33:42)



Kết quả của lớp đào tạo về "Phát triển chuỗi giá trị thực phẩm an toàn" cho các nước thành viên  ASEAN, từ ngày 9-20/5/2016 tại Việt Nam là bản kế hoạch hành động của mỗi học viên nhằm áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm thực tế thu được từ khóa học ở nước mình. Trong thời gian khóa học, các học viên đã được nghe các bài giảng liên quan đến sản xuất nông lâm thủy sản theo mô hình chuỗi giá trị, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, học viên được khảo sát các mô hình thực tế về các chuỗi giá trị rau, củ, quả tại thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, chuỗi giá trị cà phê tại huyện Lâm Hà và chuỗi giá trị thủy sản tại thành phố Nha Trang…, thảo luận với nông dân tại cơ sở để hiểu rõ phương thức tổ chức sản xuất, quản lý để đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm tốt nhât.  

Phát biểu tại buổi bế mạc lớp học, các học viên đều nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác giữa các nước trong phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Lea Astrude T.Santiago (chủ trang trại Our Farm Republic, Philippines), sau khi tham quan các mô hình liên kết sản xuất đã bày tỏ thật sự ấn tượng về mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, với nhiều thiết bị máy móc mà trang trại của bà cũng như nhiều trang trại khác ở Philippin chưa có được. “Theo tôi, nông dân các nước ASEAN cần tăng cường sự hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn” - bà Lea Astrude T. Santiago nói.

Ông Saupee (chuyên gia nông nghiệp của Malaysia) chia sẻ: “Ở Malaysia cũng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng cao nguyên có khí hậu phù hợp, nhưng quy mô nhà kính không hiện đại bằng trang trại Phong Thúy, hoặc Công ty Rừng Hoa, không có mái che kín hoàn toàn như ở đây”.

Ông SouKanda Vichittry (Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Lào) cho biết, mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao ở Lào chưa nhiều và rất ấn tượng với phương pháp ghép giống cà chua cũng như công nghệ trồng rau thủy canh. Ông SouKanda Vichittry nói: “Chuyến đi thực tế tại Lâm Đồng, tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa và mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”.