TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

CPTPP - Cơ hội và sức ép để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế

(Ngày đăng tin: 28/05/2018,09:16:50)



Ngày 22/5/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Hiệp định CPTPP: Các cam kết cơ bản và những lưu ý cho doanh nghiệp

 

Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về mở cửa thị trường là áp lực, cơ hội và những chuẩn mực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Các doanh nghiệp cần phải có cái nhìn rộng hơn, CPTPP không chỉ liên quan đến giá trị xuất khẩu nhập khẩu, mà mở ra nhiều “sân chơi, cách kiếm tiền mới”, không chỉ thị trường các nước tham gia CPTPP mà cả các nền kinh tế khác.

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như hiệp định xúc tiến bảo hộ thúc đẩy đầu tư với nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn là đỉnh cao nhất của các thỏa thuận về đầu tư, thương mại với nước ngoài, trong đó cam kết mở cửa thị trường là lớn nhất. Những chuẩn mực cao của CPTPP là động lực quan trọng, cũng là sức ép thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Việc mở cửa được thị trường, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế trong nước sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng. Với CPTPP, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập sâu hơn với các thị trường ưu tiên, đặc biệt là mở ra những cánh cửa quan trọng để tiến sâu vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng. Không có Hoa Kỳ, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. Lợi ích xuất khẩu lớn mà Việt Nam kỳ vọng ở thị trường này đã không còn, cơ hội lại chuyển sang các thị trường khác mà Việt Nam chưa hẳn đã quen thuộc, nhưng rất có thể nhiều tiềm năng.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn, nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.

Do đó, trong tổng thể, những đòi hỏi cải cách thể chế từ CPTPP vẫn luôn được đặt ra. “Với những điều kiện cao tạo ra nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư, CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thách thức lớn hơn và riêng có của CPTPP là doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng các cơ quan nhà nước để kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh, sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt muốn chiếm lĩnh thị trường thế giới cần phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc phải tự nâng cao năng lực và đặc biệt doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

Nếu không làm được điều đó, các chuyên gia lo ngại doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà” do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ.