TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Hội nghị toàn quốc về ‘Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu’

(Ngày đăng tin: 26/04/2018,10:15:03)



Hội nghị toàn quốc về ‘Giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, 23.4.2018

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là một Hội nghị quan trọng và khẳng định, không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, nhìn vào thị trường toàn cầu để thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng cho biết, năm qua, Việt Nam đã lần đầu tiên xuất khẩu trên 200 tỷ USD, trong đó có những ngành hàng có kim ngạch lớn như: Điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp và một số sản phẩm khác mà chúng ta đã tìm ra lối đi cách làm. Theo Thủ tướng, Việt Nam gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 hiệp định FTA đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đây là điều quan trọng để nước ta không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Tại hội nghị, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn về xuất khẩu:

  • Làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam?
  • Sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu
  • Tiếp cận thông tin thị trường
  • tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa
  • Xác định điểm yếu nhất trong công tác xuất khẩu của Việt Nam hiện nay

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018. Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn, bao gồm:

(i) Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: gồm các giải pháp tập trung vào đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tháo gỡ các quy định, vướng mắc về thuế và kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.

(ii) Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: gồm các giải pháp đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế.

(iii) Nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu: gồm các giải pháp nhằm cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất, xuất khẩu.