TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Việt Nam đã trở thành đối tác đầu tiên với WEF trong khuôn khổ một thỏa thuận PPP

(Ngày đăng tin: 25/04/2017,04:47:33)



Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WFF) lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sỹ), Việt Nam đã trở thành đối tác đầu tiên với WEF trong khuôn khổ một thỏa thuận Hợp tác công tư (PPP).

Việt Nam - WEF ký Thỏa thuận hợp tác đón đầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại WEF Davos 2016.

Theo ông Philip Rosler - Giám đốc điều hành của WEF- cho biết, mục đích của thỏa thuận là WEF muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác tin cậy với Việt Nam về việc trao đổi thông tin cũng như mong muốn hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị và tiến vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Những hoạt động hợp tác cụ thể có thể là cung cấp các khóa đào tạo để hiểu về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, những thách thức và cơ hội đặt ra đối với Việt Nam.

Được biết, số người có thể tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo, các hội nghị, hội thảo và thực tập tại WEF, các tổ chức đối tác có thể lên tới 2.000 người/năm. Với một thiện chí hợp tác rất lớn, phía WEF cho biết, tổ chức này sẽ tài trợ tất cả các hoạt động hợp tác giữa WEF với Việt Nam.

Ông Rosler tỏ ra rất lạc quan về triển vọng hợp tác giữa WEF và Việt Nam trong tương lai, trong bối cảnh quan hệ đối tác WEF - Việt Nam được xây dựng trên nền tảng nhiều năm hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết là khoảng 20 tập đoàn đối tác của WEF đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển nông sản chất lượng cao. Các doanh nghiệp hiện đang muốn nâng hợp tác này lên một tầm cao mới.

Cơ chế hợp tác mới mà WEF mong muốn thiết lập với Việt Nam bao hàm một sự hợp tác toàn diện, từ công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, thương mại, thông tin, dịch vụ, vấn đề biến đổi khí hậu, đến các vấn đề về di dân, an ninh kinh tế... Cơ chế hợp tác này được xác định là không giới hạn và những gì mà WEF đang tham gia trên toàn cầu sẽ mở cho Việt Nam quyền tiếp cận, sử dụng các nguồn lực, mối quan hệ mà WEF có để phục vụ cho phát triển đất nước.

Về bước đi, WEF muốn tiếp cận mô hình hợp tác đối với Việt Nam ở 2 khía cạnh: một là về định hình chiến lược, đưa giới nghiên cứu học thuật để giúp Việt Nam định hình chiến lược quản lý, hoạch định chính sách thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; hai là, thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam triển khai trên thực tế quan hệ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã, đang và sẽ là đối tác của WEF.

Tại Diễn đàn WEF ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Campuchia, phía WEF sẽ có các buổi làm việc với Việt Nam, và một trong những nội dung trao đổi giữa hai bên sẽ xoay quanh thỏa thuận PPP kể trên. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự Diễn đàn tại Campuchia.      

WEF có một mạng lưới các đối tác là hàng nghìn doanh nghiệp, tập đoàn, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Nếu Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của WEF sẽ được quyền tiếp cận và khai thác tất cả những nguồn lực mà WEF sở hữu để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế.

Việt Nam là đối tác đầu tiên mà WEF muốn ký PPP và mô hình này nếu thành công sẽ được nhân rộng. Như vậy, nếu Việt Nam tham gia tích cực, chủ động vào xây dựng mối hợp tác chiến lược này, vị thế và vai trò của Việt Nam sẽ được nâng lên và Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia xây dựng nên luật chơi toàn cầu.