TRANG CHỦ > HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi giữa Việt Nam và Mông Cổ

(Ngày đăng tin: 10/04/2017,09:39:50)



Ngày 4/4/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đón tiếp Ngài Tsend Munkh-Orgil, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng Đoàn đại biểu của Mông Cổ đến làm việc với Bộ. Sau buổi hội đàm, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ-Ngài Tsend Munkh Orgil - thay mặt Tổng cục Thanh tra chuyên ngành ký Thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm dịch động vật.

Hai bộ trưởng ký Thỏa thuận về kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Mông cổ

Tại buổi Hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tsend Ngài Munkh-Orgil và khẳng định Mông Cổ là đối tác có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống của Việt Nam. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Mông Cổ đã thường xuyên duy trì trao đổi đoàn của Lãnh đạo cấp cao và các cấp giữa hai nước; hai bên luôn coi trọng củng cố phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống; từng bước đưa quan hệ kinh tế thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị.

Mông Cổ là một quốc gia nằm trên núi cao 1560 m so với mặt biển, rộng gấp 5 lần lãnh thổ Việt Nam, nhưng chỉ có khoảng 3 triệu dân sống du mục- nay sống ở vùng này, mai ở vùng khác. Mông Cổ có tài nguyên thiên nhiên phong phú và có những thảo nguyên mênh mông xanh ngát với những đàn cừu, đàn dê, bò, ngựa được chăn thả tự nhiên. Mông Cổ hiện có 45 triệu đầu gia súc chủ yếu gồm cừu, dê, trâu bò, ngựa, và lạc đà hai bướu. Các sản phẩm lương thực gồm bột mì, lúa mạch, khoai tây, các loại rau, cà chua, dưa hấu, cỏ cho gia súc. Nền Nông nghiệp của Mông Cổ chiếm tỷ trọng 28%, nhưng chỉ có thể chăn nuôi gia súc vì Mông Cổ có vị trí địa lý ở trên cao, rất lạnh và khô.

Với vai trò là Chủ tịch phân ban phía Việt Nam của Ủy ban liên chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như: thương mại và kinh tế; nông nghiệp;công nghiệp;văn hoá, thể thao và du lịch; giáo dục,  khoa học và công nghệ; mỏ và năng lượng; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng; lao động, đào tạo nghề và xã hội; Y tế.v.v…

Trên tinh thần cởi mở, hữu nghị và thân thiện, hai bên đã nhất trí sẽ tăng cường hợp tác  khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản giữa hai nước có thế mạnh, như: cà phê, chè, rau, các loại trái cây, thủy hải sản, thịt lợn, thịt gà của Việt Nam sang Mông Cổ; các sản phẩm thịt và chế biến từ thịt gia súc, nguyên liệu da thuộc, bông của Mông Cổ sang thị trường Việt Nam; tăng cường trao đổi, hỗ trợ các doanh nghiệp có mong muốn đầu tư và xuất khẩu thương mại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giữa hai nước.