TRANG CHỦ > Tin tổng hợp

Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng

(Ngày đăng tin: 19/05/2016,08:56:39)



Trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, thì 6 tháng cuối năm đã “bứt phá ngoạn mục”. Những kết quả ấn tượng là: tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 1,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Ngày 26/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2016, chỉ thị nhiệm vụ cho ngành năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, với thiên tai và nhân tai nặng nề trong năm 2016, nước ta mất đi 1,7 tỷ USD, khoảng 1% GDP. Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.

“Chưa bao giờ trong 10 năm qua, thiên tai dồn dập đến đất nước ta khủng khiếp như thế”, Thủ tướng nói và cho rằng, “trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, quyết tâm, ý chí mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội.

Có được kết quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh có sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp và đặc biệt, “ta phải cảm ơn người nông dân, ngư dân, diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn trong điều kiện thiên tai và nhân tai".

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, 3 điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016 là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm (tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%); xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5-2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD. Bộ tiếp tục chọn đây là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Các ý kiến địa phương phát biểu tại hội nghị có cùng nhận định về sự “bứt phá ngoạn mục” của ngành nông nghiệp trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt.

Các đại biểu nêu nhiều kiến nghị  để “cởi trói”, gỡ vướng cho việc phát triển nông nghiệp, nhấn mạnh vào việc "cởi trói" về tích tụ ruộng đất. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nông dân có đất, doanh nghiệp muốn làm nhưng khó đầu tư. “Đây chính là sự kìm hãm phát triển”, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần sửa đổi chính sách đất đai theo hướng để đất đai chuyển dịch dễ dàng hơn, như chuyển mục đích sử dụng đất có hiệu quả thấp sang có hiệu quả cao hơn (chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi tôm) hay chuyển đất từ người ít tha thiết với nông nghiệp sang người có mong muốn đầu tư…

Các địa phương cũng kiến nghị về việc bộ, ngành hỗ trợ đối với một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao của mình.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của nông nghiệp, nông thôn hiện nay, cần khắc phục thời gian tới. Đó là hạn điền, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”. Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn bất cập, chưa quản lý tốt. Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước, mà theo Thủ tướng, đây là những "quả bom nguy hiểm đang treo trên đầu người dân".

Đề cập đến tình trạng phá rừng còn phổ biến, Thủ tướng nhắc lại chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu mở đợt tấn công liên tục vào hành vi phá hoại rừng, xử lý nghiêm vi phạm.

Đặt vấn đề tầm nhìn về nông nghiệp như thế nào, Thủ tướng cho rằng, trước hết, nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh thế mạnh về du lịch dịch vụ và công nghệ thông tin. Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp, gồm Bộ, các Sở NN&PTNT.

Bên cạnh đó, tầm nhìn của nền nông nghiệp nước ta là một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu.

Một nền nông nghiệp ở Việt Nam phải trên tinh thần “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, đất đai chỉ chiếm một phần trong khi rừng, núi và biển chiếm đến 3-4 phần. Do đó, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn, không chỉ dựa vào cây lúa, phải đầu tư, nghiên cứu phát triển ngành lâm nghiệp, thủy hải sản hơn nữa. Các dự án trọng điểm về công nghệ kĩ thuật, xử lý hình ảnh đẹp, photoshop, các công nghệ xử lý 3D cũng được chú trọng phát triển.

Nền nông nghiệp Việt Nam phải chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt; hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu và phục vụ nhân dân. Phải xây dựng nền nông nghiệp thông minh, không chỉ là khoa học công nghệ mà hướng tới giá trị cao hơn; giải quyết trực tiếp an sinh xã hội.