TRANG CHỦ > TÁI CƠ CẤU NGÀNH

Các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2018-2020

(Ngày đăng tin: 03/08/2018,09:02:38)



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban CĐQG chủ trì phiên họp sáng 2/8/2018.

 

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia (CĐQG) về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp để thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2018-2020.

Nhìn lại kết quả tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả ấn tượng, quy mô nền kinh tế mở rộng, vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo được nhiều tổ chức quốc tế tăng bậc xếp hạng. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng hiện nay chưa như kỳ vọng, trong khi chúng ta cần quy mô nền kinh tế lớn hơn để giải quyết việc làm và thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2018-2020 được Ban CĐQG đưa ra tại phiên họp bao gồm 7 nhiệm vụ cơ bản:

  • Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó đặc biệt lưu ý đến tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước. 
  • Rà soát, hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Đồng thời, đánh thuế lũy tiến đối với đất bị bỏ hoang, đất không sử dụng như mục đích đã định. 
  • Tập trung xây dựng chính sách phát triển các ngành kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành. Trước mắt tập trung một số ngành như du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ô tô và nông nghiệp công nghệ cao.

Có thể hình thành dưới dạng Chương trình phát triển ngành với các mục tiêu và lộ trình định hướng cụ thể về gia tăng năng suất và định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sắp xếp, tổ chức và điều phối lại hàng loạt các chính sách hỗ trợ phân tán và thiếu hiệu quả đối với phát triển ngành hiện nay nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển ngành cụ thể như trên, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện. 

  • Nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế. 
  • Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, đồng thời có những biện pháp cụ thể để nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc đối với các lãnh đạo DNNN về các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn. 
  • Xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính. 
  • Cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
    Bổ sung các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn những năm tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô đã đạt được; đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ cho tái cơ cấu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, cần có chiến lược, chính sách, công cụ phát triển phù hợp cho các đô thị; tăng cường thể chế về liên kết vùng; các chỉ số về chất lượng tăng trưởng.